1900 4662 - 0962.775.166

Category Archives

Posts in Làm mẹ category.
Trẻ dễ mắc bệnh gì nếu thừa cân, béo phì?

Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nội tiết, vấn đề về xương, dậy thì sớm…

Chị Thu Trang (quận 12, TP HCM) có con gái 7 tuổi, nặng 37 kg, dư 15,4 kg so với tiêu chuẩn. Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ cho biết bé gặp tình trạng béo phì, kèm tăng huyết áp, mỡ máu cao, cần điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến hệ tim mạch.

Trường hợp khác, bé Bảo Khang, 5 tuổi cao 110 cm nặng 30 kg đến khám tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM vì chấn thương tay. Cách đó 3 tháng bé từng gãy tay trái. Sau khi được bác sĩ thăm khám, tư vấn dinh dưỡng, gia đình mới biết con béo phì. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm bé dễ gãy xương hơn.

BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, trẻ béo phì, ít vận động có nguy cơ mắc các nhóm bệnh mạn tính như: tim mạch (huyết áp cao, rối loạn mỡ máu), hô hấp (ngưng thở khi ngủ …), nội tiết (tiểu đường, dậy thì sớm), vấn đề về xương, da liễu (nhiễm nấm, nổi mụn,…), tiêu hóa (gan nhiễm mỡ, sỏi túi mật…). Bên cạnh đó, trẻ có thể bị phân biệt đối xử, dễ bị cô lập, từ đó gia tăng các rối loạn tâm lý.

Theo nghiên cứu “Rủi ro chuyển hóa tim mạch và mức độ nghiêm trọng của bệnh béo phì ở trẻ em và thanh niên” đăng trên Tạp chí Y học New England (có 9.000 trẻ độ tuổi từ 3 – 19 tuổi tham gia nghiên cứu này), nhóm trẻ và thanh thiếu niên béo phì có huyết áp cao, lượng cholesterol xấu và lượng đường trong máu cao hơn so với trẻ bình thường; trẻ béo phì có nhiều nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch sớm khi trưởng thành.

Trẻ béo phì cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, tăng cường vận động để bảo vệ sức khỏe.

Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ ở Maryland nghiên cứu, theo dõi hồ sơ bệnh của 227 trẻ béo phì và 128 trẻ bình thường. Kết quả cho thấy trẻ béo phì có khả năng bị gãy xương gấp 4,5 lần so với trẻ bình thường; trẻ béo phì cũng dễ bị đau cơ – xương – khớp gấp 4 lần so với nhóm còn lại.

Thống kê tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, số trẻ đến khám cần tư vấn dinh dưỡng có 60% thiếu cân nặng theo chuẩn, 30% thừa cân, béo phì, 10% đến khám vì lý do khác. “Nhiều phụ huynh không biết trẻ gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì cho đến khi đưa con đi khám”, bác sĩ Trang nói.

Béo phì ở trẻ em có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng vì nó liên quan đến sức khỏe, bệnh tật, tử vong ở tuổi trưởng thành. Trẻ béo phì có dấu hiệu tăng cân nhanh hàng tháng, mỡ bụng nhiều, mỡ dày vùng đùi bẹn, ngực, nách… Trẻ ít vận động hơn, dễ đổ mồ hôi khi mới chạy nhảy, sức bền kém…

Theo bác sĩ Hạnh Trang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ do: chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, ít có thời gian vui chơi, vận động, trẻ tập trung dành thời gian nhiều cho việc học, xem tivi, điện thoại …, một phần nhỏ do tâm lý phụ huynh cho rằng trẻ nhỏ mũm mĩm mới tốt nên tập trung cho trẻ ăn nhiều năng lượng so với nhu cầu. Một số bé tình trạng béo phì có thể xảy ra thứ phát do các bệnh nội tiết, bất thường gene…

“Điều trị béo phì cho trẻ là quá trình lâu dài và cần sự tham gia của cả gia đình. Có khoảng 30% trẻ tiếp tục béo phì cho đến tuổi trưởng thành”, bác sĩ Trang nhấn mạnh.

Nguyên tắc điều trị béo phì cho trẻ là: giảm hoặc giữ cân, tăng chiều cao qua việc cải thiện lối sống và chế độ dinh dưỡng. Phụ huynh cần cho bé ăn giảm năng lượng hơn chế độ ăn trước đây, hạn chế đồ ăn nhanh, nước ngọt, tăng vận động và tuyệt đối không cho trẻ nhịn ăn. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều vào buổi sáng, buổi chiều và tối cho trẻ ăn ít hơn. Thức ăn tăng cường nhiều chất xơ, rau củ, hạn chế nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột, đường.

Trẻ có thể chơi môn thể thao vận động như: bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, đi bộ nhanh… Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ngồi quá lâu một chỗ, nên cho trẻ ngủ đủ giấc.

Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý. Cụ thể, tỷ lệ béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, chủ yếu ở thành thị. Tình trạng này sẽ trở thành gánh nặng kinh tế và y tế trong tương lai. Hiểu được hệ lụy của bệnh béo phì sẽ giúp phụ huynh quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng, vận động của trẻ.

Làm sao để không kiệt sức khi nuôi con nhỏ?

Cha mẹ kiệt sức khi mất niềm vui trong vai trò của mình, cảm thấy không yêu con, chán nản, mệt mỏi.

Dành thời gian cho mình

Nhiều cha mẹ vì quá chú ý đến con mà bỏ quên nhu cầu bản thân. Bạn phải dành thời gian cho bản thân, vì nếu không chăm được mình, bạn không thể chăm người khác, đặc biệt là một đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn.

Chỉ cần dành 5-10 phút cho bản thân mỗi ngày cũng sẽ tạo ra khác biệt đáng kể trong cuộc sống của bạn.

Tập thể dục

Tập thể dục giúp tăng năng lượng và giảm căng thẳng. Vì vậy, điều quan trọng là cố gắng vận động trong ngày, dù bạn thiếu ngủ. Vận động sẽ giúp máu lưu thông, đầu óc đỡ căng thẳng và ù lì.

Bạn có thể tận dụng thời gian đi dạo nhanh khi cho con ra ngoài sưởi nắng trong xe đẩy.

Ngủ

Không ai làm việc hiệu quả nếu không ngủ đủ giấc hoặc có giấc ngủ chất lượng. Nếu có thể, hãy ngủ khi con ngủ hoặc nhờ ai trông chừng con trong khi bạn cần nhắm mắt vài giờ.

Nói không

Bạn không thể làm mọi thứ nên không cần quá cố gắng. Từ chối có thể khiến bạn cảm giác tội lỗi vì không làm mọi thứ như yêu cầu, nhưng không nên. Cần biết khi nào nên nói không.

Dù có một đứa con nữa cần chăm sóc, hãy hạn chế cam kết bạn đưa ra và đảm bảo không phải người lo toan tất cả.

Sắp xếp thời gian biểu và hoạt động của con bạn

Trẻ mới biết đi có thể rất bận rộn với các hoạt động và lớp học. Ngoài việc cần biết khi nào nên nói không với chính mình, bạn cũng cần biết khi nào nên nói không với con.

Cân nhắc sắp xếp lại lịch trình hoạt động của con thay vì lên quá nhiều lịch cho con. Bạn tạo ra thói quen hàng ngày lành mạnh và quản lý nó thì sẽ không phải di chuyển liên tục và bạn đỡ mệt mỏi.

Ưu tiên lịch trình của con và cắt giảm 1-2 hoạt động nếu có thể. Hãy đơn giản hóa ngày của bạn để có thêm thời gian rảnh.b Cả hai mẹ con sẽ ít kiệt sức hơn.

Yêu cầu người khác giúp đỡ

Bạn muốn tự làm mọi thứ như mình muốn, nhưng điều đó thiếu thực tế và thiết thực. Một bước quan trọng trong ngăn ngừa tình trạng kiệt sức là yêu cầu sự giúp đỡ về cảm xúc và thể chất vào cuối mỗi ngày.

Có một số việc bạn sẽ phải tự làm, nhưng những việc như đi chợ, mang đồ ăn tối về… bạn đều có thể thuê hoặc nhờ người giúp. Hãy dành chút thời gian rảnh để thư giãn và hít thở.

Cha mẹ lười

Cha mẹ lười là những người ngừng đọc sách và lý thuyết làm cha mẹ, để con cái không gian tự do vui chơi, sáng tạo và tự xử lý các vấn đề.

“Làm ít đi” là lời khuyên của chuyên gia tâm lý học người Anh, Jenna Vyas-Lee, dành cho các bậc phụ huynh. Sau nhiều năm cố vấn, bà ngày càng ủng hộ phong cách làm “cha mẹ lười”. Bà khuyên mọi người nên dừng đọc sách, nghe podcast, bỏ theo dõi các tài khoản hướng dẫn nuôi dạy con cái. Thay vào đó, chỉ cần ăn kem, xem tivi cùng con.

Nhiều cha mẹ hy sinh để nuôi dạy con, tìm hiểu lý thuyết và cố gắng áp dụng lên con của mình. Ngành công nghiệp nuôi dạy con trị giá hàng tỷ USD cộng hưởng với các phương tiện truyền thông xã hội chỉ bảo phụ huynh nên hay không nên làm gì. Điều này khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ cảm thấy áy náy vì “không giáo dục con đúng chuẩn”.

Theo tiến sĩ Vyas-Lee, áp lực gây ra tâm trạng lo lắng, đặc biệt với các bà mẹ. Bà cho rằng có mối tương quan chặt chẽ giữa nuôi dạy con quá mức và các vấn đề sức khỏe tinh thần trong gia đình. Nó cũng không có hiệu quả tốt với trẻ em.

Alice Walsh ở Kent bên cạnh ba đứa con của cô gồm Rocky, Juno và Emerson. Ảnh nhân vật cung cấp

Alice Walsh ở Kent bên cạnh ba đứa con của cô gồm Rocky, Juno và Emerson. Ảnh nhân vật cung cấp

Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nhi khoa Mỹ vào tháng trước cho thấy, vấn đề rối loạn sức khỏe tinh thần ở trẻ em, thanh thiếu niên gia tăng do liên quan đến hoạt động vui chơi tự do sụt giảm. Hiệp hội Tâm lý học Anh cũng phản đối tình trạng trẻ em ít được chơi trên đường phố hơn bao giờ hết.

Các chuyên gia cho rằng những điều này sẽ giảm khả năng đối phó với thất bại và hồi phục sau thất bại của trẻ. “Nếu chưa bao giờ vấp ngã hay mỗi lần vấp ngã đều được đỡ dậy, làm sao trẻ biết cách phục hồi”, tiến sĩ Vyas-Lee đặt câu hỏi.

Theo nhà trị liệu tâm lý học Anna Mathur, phong cách làm cha mẹ “hết mình” xuất phát từ hai yếu tố: bị vây quanh bằng các nghiên cứu nuôi dạy con và cảm giác tội tỗi. Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng, vì đã làm việc cả ngày nên muốn cống hiến 100% cho con khi về nhà. Họ thấy áp lực vì phải hiện diện trong mọi khoảnh khắc, nhưng cuối cùng có thể gây ngột ngạt cho cả bố mẹ lẫn con cái.

Mathur chỉ ra, bộ não của trẻ em cần phải buồn chán vì chúng là những vết nứt để phát triển sự sáng tạo, hồi phục và tự trọng. Việc lờ đứa trẻ đi cũng cho chúng thấy tầm quan trọng của nghỉ ngơi và để chúng thấy rằng không phải lúc nào cũng cần hối hả, bận rộn.

“Xã hội đánh giá cao năng suất, dẫn đến các bà mẹ kiệt sức. Cái gọi là “phụ huynh lười” thách thức điều này, nó ưu tiên cuộc sống của chúng ta như những người trưởng thành. Làm điều mà bạn yêu thích, dù đó là yoga, vẽ tranh hay đọc sách, và làm điều đó bên cạnh con cái sẽ tốt cho tất cả mọi người”, Mathur đưa ra lời khuyên.

Alice Walsh, nhà thiết kế trang sức, ở Kent tự hào là một bà mẹ lười. Sống cùng chồng và ba con nhỏ, cô cho biết quá nghiêm khắc và can thiệp vào mọi thứ sẽ làm cho cuộc sống căng thẳng. Cô khuyến khích các con tự chơi trong khi mình làm việc trong studio tại gia. Hiện tại, mỗi thứ 6, hai đứa lớn sẽ nấu bữa tối và dọn dẹp sau khi ăn. Theo Walsh, trẻ con giỏi hơn nhiều so với những gì người lớn vẫn nghĩ. Cô chỉ hướng dẫn con cách chuẩn bị đồ ăn và dùng dao, phần còn lại do chúng tự xử lý.

Không ít ông bố, bà mẹ thường xuyên ở quanh con và loại bỏ mọi chướng ngại vật để chúng không bao giờ gặp thất bại hay không thoải mái. Tuy nhiên, ngày càng nhiều phụ huynh chọn cách ngược lại và xem nó như biểu hiện của tình yêu dành cho con. Khi được nghỉ ngơi và làm những điều mình muốn, cha mẹ ít bực bội hơn, kiên nhẫn hơn và sẵn sàng phản hồi khi con muốn. Bạn không thể cảm thấy thoải mái khi kiệt sức và suy nghĩ quá mức, theo Mathur.

Dạy con kiểu lười giúp gia đình Kate Ashley Norman tránh được các xung đột không đáng có. Cô gọi nó là “bỏ bê lành mạnh”. Cô tin rằng con mình có thể xử lý được bất kỳ điều gì xảy ra theo cách của chúng. Cô không đụng vào bài tập hay bài thi của con hay đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân và con cái như các phụ huynh theo chủ nghĩa hoàn hảo.

Con của Norman nói rằng chúng được tự do hơn các bạn và được làm nhiều thứ hơn. Triết lý mà cô theo đuổi là “không thực sự quan tâm đến những gì người khác nghĩ, miễn là cả gia đình hạnh phúc”. Dù vậy, cô thừa nhận phải mất một thời gian dài mới làm được như vậy.

Phá vỡ thói quen quanh quẩn bên con cái không hề dễ dàng, đặc biệt khi bạn đã làm điều đó trong nhiều năm. Mathur trò chuyện với vô số bà mẹ quên đi lười biếng là như thế nào và cảm thấy tội lỗi chỉ vì đi bộ quanh tòa nhà. Theo Tiến sĩ Vyas-Lee, từ chối chơi cùng con khi không còn chút năng lượng nào là hoàn toàn chấp nhận được. Dành 20 phút toàn tâm toàn ý cho con sẽ tốt hơn lúc nào cũng phải đáp ứng mọi ý thích bất chợt của chúng.

Những mốc phát triển của trẻ mà cha mẹ không biết

Nhiều cha mẹ thấy con mình nấc cụt, giật tóc hoặc thường xuyên rùng mình… mà không biết đó là những dấu hiệu của một sự phát triển trong cơ thể trẻ.

Tiến sĩ nhi khoa Sami (Mỹ) chia sẻ: “Rất nhiều lần các bậc cha mẹ lo lắng hỏi tôi, hành vi này có bình thường không? Tại sao con tôi lại làm như vậy? Đó là lý do tôi liệt kê các cột mốc bí mật của trẻ để giúp cha mẹ hiểu hơn về sự phát triển của các bé”.

Nấc cụt nhiều

Nấc cụt là sự co thắt không chủ ý hoặc cử động đột ngột của cơ hoành, cơ quan kiểm soát hơi thở. Tiến sĩ Anjuli Gans, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, cho biết nấc cụt đối với trẻ sơ sinh là một trong những điều phổ biến nhất. Ở trẻ sơ sinh, cơ hoành đang trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều và phần não kiểm soát các phản xạ này cũng đang phát triển rất nhanh. Giai đoạn này, ruột của trẻ cũng đang thay đổi, vì vậy chúng có thể đột ngột trở nên đầy hơi.

Ngoài ra, nấc cụt cũng là do dây thần kinh cơ hoành bị kích thích. Trẻ bắt đầu ăn uống sẽ khiến kích thước dạ dày lớn hơn, điều đó có thể kích thích dây thần kinh và khiến trẻ bị nấc nhiều.

Giật tóc

Chuyên gia cho biết việc giật tóc chỉ là một biểu hiện cho thấy trẻ có thể nắm lấy đồ vật. Điều này là rất bình thường, ngay cả khi nó gây đau cho trẻ.

Tiến sĩ Gans cho biết, khoảng bốn tháng tuổi, trẻ sơ sinh đột nhiên có được sức mạnh này và đó là lúc chúng bắt đầu nắm lấy mặt hoặc tóc giật rất mạnh. Các bé thường sẽ thành thạo việc nắm, túm chặt mọi thứ trước khi chúng đạt được cột mốc quan trọng là thành thạo cầm nắm.

La hét

Sami nói rằng trẻ sơ sinh thường la hét ầm ĩ. Bởi vì trẻ chưa biết nói nên một tiếng hét chói tai có thể có nghĩa là đói hay mệt mỏi, khiến cha mẹ bối rối. Đây là tiếng khóc bản năng và là điều bình thường.

Khoảng bốn đến năm tháng, trẻ sẽ bắt đầu phát triển những tiếng khóc khác nhau vì những lý do khác nhau, điều này có thể giúp cha mẹ hiểu được những gì chúng muốn hoặc cần. Tuy nhiên, khoảng từ 6-9 tháng tuổi, trẻ sơ sinh trở nên ầm ĩ hơn, bởi chúng nhận ra rằng tiếng la hét của chúng có thể nhận được phản hồi nhanh hơn từ mọi người. Đó là một cột mốc bình thường và là một phần trong quá trình phát triển giọng nói và ngôn ngữ của trẻ.

Không đại tiện thường xuyên

Tiến sĩ Gans cho biết, một cột mốc phổ biến mà các bậc cha mẹ không phải lúc nào cũng được lưu ý là khi em bé ngừng đi vệ sinh ban đêm, khoảng từ bốn tháng tuổi trở đi.

Khi đó, ruột trẻ phát triển, lượng phân ổn định hơn, tuy nhiên chúng vẫn đi tiểu nhiều. Các chuyên gia lưu ý rằng thỉnh thoảng vẫn có thể xảy ra tình trạng trẻ ị qua đêm và một số trẻ có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt được mốc này so với những trẻ khác, nhưng điều đó cũng bình thường.

Rùng mình hay run, lắc cơ thể

Một cột mốc phổ biến khác đối với trẻ sơ sinh là khi chúng bắt đầu lắc hoặc run đầu hay cả cơ thể, thường bắt đầu ở giai đoạn sơ sinh và có thể tiếp tục đến 4 tháng tuổi. Biểu hiện này cho thấy em bé đang phát triển phản xạ.

Tiến sĩ Gans chỉ ra, trẻ sơ sinh có phản xạ Moro, có thể khiến chúng di chuyển hoặc lắc đột ngột để phản ứng với các kích thích hoặc tác nhân khác nhau. Điều này thường biến mất sau khoảng hai tháng.

Nóng nảy

Những cơn giận dữ, nóng nảy là một phần rất bình thường trong quá trình phát triển thời thơ ấu của trẻ, thậm chí chúng có thể đến sớm hơn cha mẹ mong đợi. Ngay cả khi không thể nói thành lời, chúng có thể nổi cơn thịnh nộ và bày tỏ sự thất vọng. Tiến sĩ Gans nói rằng những cơn giận dữ có thể kéo dài đến tuổi mẫu giáo.

Nghịch trò nguy hiểm

Các chuyên gia lưu ý, mặc dù khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhưng việc trẻ em nghịch những trò nguy hiểm là khá bình thường, ví dụ đi lại và leo trèo xung quanh.

Tiến sĩ Sami nói, khoảng 15-18 tháng, trẻ bắt đầu làm những việc rất nguy hiểm và chúng không có bất kỳ khái niệm nào về điều gì là nguy hiểm hay không. Trẻ em có thể trèo ra khỏi ghế cao, rơi khỏi ghế hoặc nhảy xuống bể bơi mà không sợ hãi.

Thông thường, trẻ nhỏ sẽ thực hiện những hành động liều lĩnh này và ngạc nhiên khi chúng bị thương. Sẽ mất một thời gian để trẻ hiểu được những rủi ro và hậu quả. Đó là một giai đoạn làm cha mẹ rất mệt mỏi.

Nói dối

Các chuyên gia lưu ý rằng nói dối thực sự là một cột mốc bình thường trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ.

Khi đến tuổi mẫu giáo, khoảng 4-6 tuổi, chúng bắt đầu nói dối rất nhiều. Trẻ có thể nghĩ ra những câu chuyện phức tạp, khó tin về bản thân, bạn bè hoặc trường học, là kết quả của sự kết hợp trí tưởng tượng với thực tế. Theo Học viện tâm thần trẻ em và vị thành niên Mỹ, kiểu nói dối này thường không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Tiến sĩ Gans cho biết, trong thời gian này, một bộ phận của não – nơi điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc và quyết định của con người – đang phát triển nhanh chóng. Bà cho biết thêm, những lời nói dối của trẻ thường bắt đầu một cách đơn giản hoặc dễ thương. Khi trẻ lớn hơn, chúng có thể học cách nói dối để thoát khỏi một số hành vi nhất định, tránh hậu quả hoặc thu hút sự chú ý.

Kén ăn

Sami cho biết, kén ăn là bình thường và phổ biến. Hầu hết trẻ em đều có biểu hiện này trong độ tuổi từ 2 đến 4. Sau hai tuổi, trẻ lớn chậm hơn rất nhiều và do tốc độ tăng trưởng chậm lại nên nhu cầu calo của bé giảm đi rất nhiều. Vì vậy trẻ ở độ tuổi này không muốn ăn nhiều là điều bình thường.

Trẻ em ở độ tuổi này cũng đang học cách nói không và thể hiện sở thích của mình, vì vậy sự kén ăn là điều bình thường.

Mặc dù các chuyên gia coi đây là những cột mốc bình thường nhưng họ thừa nhận rằng mỗi đứa trẻ đều khác nhau. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển hoặc sức khỏe của con mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa.

Trường Phát