Trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nội tiết, vấn đề về xương, dậy thì sớm…
Chị Thu Trang (quận 12, TP HCM) có con gái 7 tuổi, nặng 37 kg, dư 15,4 kg so với tiêu chuẩn. Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bác sĩ cho biết bé gặp tình trạng béo phì, kèm tăng huyết áp, mỡ máu cao, cần điều chỉnh để tránh ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
Trường hợp khác, bé Bảo Khang, 5 tuổi cao 110 cm nặng 30 kg đến khám tại khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM vì chấn thương tay. Cách đó 3 tháng bé từng gãy tay trái. Sau khi được bác sĩ thăm khám, tư vấn dinh dưỡng, gia đình mới biết con béo phì. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm bé dễ gãy xương hơn.
BS.CKI Nguyễn Thị Hạnh Trang, khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, trẻ béo phì, ít vận động có nguy cơ mắc các nhóm bệnh mạn tính như: tim mạch (huyết áp cao, rối loạn mỡ máu), hô hấp (ngưng thở khi ngủ …), nội tiết (tiểu đường, dậy thì sớm), vấn đề về xương, da liễu (nhiễm nấm, nổi mụn,…), tiêu hóa (gan nhiễm mỡ, sỏi túi mật…). Bên cạnh đó, trẻ có thể bị phân biệt đối xử, dễ bị cô lập, từ đó gia tăng các rối loạn tâm lý.
Theo nghiên cứu “Rủi ro chuyển hóa tim mạch và mức độ nghiêm trọng của bệnh béo phì ở trẻ em và thanh niên” đăng trên Tạp chí Y học New England (có 9.000 trẻ độ tuổi từ 3 – 19 tuổi tham gia nghiên cứu này), nhóm trẻ và thanh thiếu niên béo phì có huyết áp cao, lượng cholesterol xấu và lượng đường trong máu cao hơn so với trẻ bình thường; trẻ béo phì có nhiều nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch sớm khi trưởng thành.
Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ ở Maryland nghiên cứu, theo dõi hồ sơ bệnh của 227 trẻ béo phì và 128 trẻ bình thường. Kết quả cho thấy trẻ béo phì có khả năng bị gãy xương gấp 4,5 lần so với trẻ bình thường; trẻ béo phì cũng dễ bị đau cơ – xương – khớp gấp 4 lần so với nhóm còn lại.
Thống kê tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, số trẻ đến khám cần tư vấn dinh dưỡng có 60% thiếu cân nặng theo chuẩn, 30% thừa cân, béo phì, 10% đến khám vì lý do khác. “Nhiều phụ huynh không biết trẻ gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì cho đến khi đưa con đi khám”, bác sĩ Trang nói.
Béo phì ở trẻ em có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng vì nó liên quan đến sức khỏe, bệnh tật, tử vong ở tuổi trưởng thành. Trẻ béo phì có dấu hiệu tăng cân nhanh hàng tháng, mỡ bụng nhiều, mỡ dày vùng đùi bẹn, ngực, nách… Trẻ ít vận động hơn, dễ đổ mồ hôi khi mới chạy nhảy, sức bền kém…
Theo bác sĩ Hạnh Trang, nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì ở trẻ do: chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, ít có thời gian vui chơi, vận động, trẻ tập trung dành thời gian nhiều cho việc học, xem tivi, điện thoại …, một phần nhỏ do tâm lý phụ huynh cho rằng trẻ nhỏ mũm mĩm mới tốt nên tập trung cho trẻ ăn nhiều năng lượng so với nhu cầu. Một số bé tình trạng béo phì có thể xảy ra thứ phát do các bệnh nội tiết, bất thường gene…
“Điều trị béo phì cho trẻ là quá trình lâu dài và cần sự tham gia của cả gia đình. Có khoảng 30% trẻ tiếp tục béo phì cho đến tuổi trưởng thành”, bác sĩ Trang nhấn mạnh.
Nguyên tắc điều trị béo phì cho trẻ là: giảm hoặc giữ cân, tăng chiều cao qua việc cải thiện lối sống và chế độ dinh dưỡng. Phụ huynh cần cho bé ăn giảm năng lượng hơn chế độ ăn trước đây, hạn chế đồ ăn nhanh, nước ngọt, tăng vận động và tuyệt đối không cho trẻ nhịn ăn. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn nhiều vào buổi sáng, buổi chiều và tối cho trẻ ăn ít hơn. Thức ăn tăng cường nhiều chất xơ, rau củ, hạn chế nhóm thực phẩm nhiều dầu mỡ, tinh bột, đường.
Trẻ có thể chơi môn thể thao vận động như: bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, đi bộ nhanh… Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ ngồi quá lâu một chỗ, nên cho trẻ ngủ đủ giấc.
Tỷ lệ béo phì ở trẻ em Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm gần đây, nguyên nhân chủ yếu do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý. Cụ thể, tỷ lệ béo phì ở trẻ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, chủ yếu ở thành thị. Tình trạng này sẽ trở thành gánh nặng kinh tế và y tế trong tương lai. Hiểu được hệ lụy của bệnh béo phì sẽ giúp phụ huynh quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng, vận động của trẻ.
I like this web blog it’s a master piece! Glad I observed this ohttps://69v.topn google.Raise your business